Thánh đường Sagrada Familia nằm ở Barcelona, thuộc xứ Catalunya, đông bắc Tây Ban Nha. Công trình được xây dựng từ năm 1882 – tới nay, sau hơn một thế kỷ, vẫn chưa hoàn thành. Không chỉ là một trong những điểm du lịch hút khách nhất Barcelona, Thánh đường còn là biểu tượng của Tây Ban Nha mà chắc chắn nhưng ai học tiếng Tây Ban Nha cũng đều mong được một lần tới thăm.
Tọa lạc giữa lòng thành phố Barcelona, Sagrada Familia được bao quanh bởi khu dân cư đông đúc. (Ảnh: Rainbowbarcelona)
Hàng năm, Barcelona đón nhận lượng du khách lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây. Một trong số những lý do hàng đầu của những vị khách tới đây tham quan chính là để có thể tận mắt chiêm ngưỡng Vương Cung Thánh Đường Sagrada Familia. Đây là kiệt tác vĩ đại của kiến trúc sư nổi tiếng Antoni Gaudí. Và câu chuyện về “cha đẻ” của công trình và chính bản thân nhà thờ đến ngày nay vẫn là đề tài khiến báo chí tốn nhiều giấy mực.
Vị kiến trúc sư kỳ lạ của Thánh đường lớn nhất thế giới
Cha đẻ của Thánh đường là kiến trúc sư người Tây Ban Nha, Antoni Gaudí (tên đầy đủ là: Antoni Gaudí i Cornet) (25/06/1852 – 10/06/1926). Quê hương của ông là xứ Catalán, ông theo đuổi phong cách Tân nghệ thuật, thuộc dòng kiến trúc Hậu Hiện đại. Rất nhiều công trình của ông đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới như: Sagrada Familia, Casa Milà, Casa Batlló,…
Antoni Gaudí – “Cha đẻ” của rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ tại Barcelona. Ảnh: Internet
Tài năng của ông là điều không ai có thể phủ nhận. Khi còn là sinh viên khoa Kiến trúc, trường Cao đẳng Tècnica Superior d’Arquitectura, Barcelona (1873 – 1877), Gaudí đạt loại xuất sắc với môn học vè “bản vẽ thử nghiệm và dự án.” Sau năm năm lăn lộn thực tế, tới năm 1878 ông mới được trao bằng kiến trúc sư. Khi ký tên vào tờ chứng chỉ công nhận của Gaudí, Hiệu trưởng trường Kiến trúc Barcelona khi đó – Elies Rogent từng hoài nghi: “Ai mà biết được liệu chúng ta có đang trao tấm bằng này cho một kẻ dốt nát hay một thiên tài. Thời gian rồi sẽ trả lời.” (“Qui sap si hem donat el diploma a un boig o a un geni: el temps ens ho dirà.”)
Và thời gian thực sự đã trả lời! Antoni Guadí đã không khiến thế giới phải chờ đợi lâu. Đời tư cũng như chuyện tình cảm không may mắn, Antoni Gaudí say mê và càng thăng hoa hơn với nghệ thuật kiến trúc. Gaudí, với sự hỗ trợ tài chính của doanh nhân kiêm chính trị gia Eusebu Guel, đã tạo ra hàng loạt những kiến tác kiến trúc. Cho tới này, sáng tạo của ông đã trở thành những niềm tự hào to lớn đối với Barcelona nói riêng và cả đất nước Tây Ban Nha. Dấu ấn và di sản kiến trúc ông để lại vô cùng to lớn, tới mức năm 2002, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông, người ta đã phải tuyên bố: “Không có Antoni Gaudí thì không có Barcelona, không có Barcelona thì không có Tây Ban Nha!”
Thành công tột đỉnh trong sự nghiệp, nhưng những giây phút cuối đời, ở tuổi 73, Antoni Gaudí đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện tế bần Hospital de la Santa Cruz mà không được chăm sóc tận tình. Bởi trước đó khi bị tàu điện đụng ngã, trong túi ông không có giấy tờ tùy thân nào, người ta đã không thể nhận ra ông, mà nhầm lẫn là một gã ăn mày, không tiền bạc.
Sagrada Familia – Công trình vĩ đại dưới bàn tay của “kiến trúc sư của Chúa”
Vương cung thánh đường tên đầy đủ là Vương Cung Thánh Đường Nhà thờ ngoại hiệu Thánh Gia (tiếng Catalunya: Basilica del Temple Expiatori de la Sagrada Família; tiếng Tây Ban Nha: Basilica y Templo Expiatorio de la Sagrada Familia), thường được gọi Sagrada Familia.
Không hề phóng đại khi nói Thánh Đường Sagrada Familia của Antoni Gaudí sở hữu lối kiến trúc ấn tượng, “lạ lùng” nhất thế giới. Nhà thờ được thiết kế kết hợp giữa Gothic truyền thống và phong cách Art Nouveau (Tân Gothic), với những ngọn tháp cao vút, tạo dựng khung cảnh của “Gia đình linh thiêng” của Chúa: Chúa Jesus, Đức Mẹ Maria và Thánh Guise.
Sagrada Familia sẽ là công trình tôn giáo cao nhất ở châu Âu. Ảnh: News
Một trong những điểm đặc sắc nhất của nhà thờ là 18 ngọn tháp hình con suốt quay tơ biểu trưng: 12 vị tông đồ, 4 thánh sử chép Phúc âm, Đức Mẹ Maria và ngọn tháp cao nhất, cao gần 172m, là Chúa Jesus. Trên đỉnh các ngọn tháp là những bức điêu khắc tượng trưng theo truyền thống: con bò (thánh Luca), phượng hoàng (thánh Gioan), sư tử (thánh Marco) và người có cánh (thánh Matthew) hay hình bánh thánh với chùm bông lúa, chén lễ và chùm nho, biểu tượng của phép Thánh Thể,…
Mặt trước của nhà thời được trang trí với nhiều bức tượng, phù điêu, tái hiện quãng đời của Đức Chúa. Bên trong nhà thờ được chiếu sáng tự nhiên với nhiều luồng ánh sáng mặt trời xuyên qua khuôn cửa kính màu lộng lẫy hình ovan trên vòm trần và xung quanh. Có ý kiến cho rằng, Art Nouveau (sự phủ nhận những đường thẳng tắp, tôn vinh những đường cong uốn lượn) thực sự phù hợp với phong cách quen thuộc của Gaudi – một người yêu thiên nhiên và chỉ thích vẽ cây cỏ thủa còn nhỏ.
Vẻ đẹp của công trình là tổng hòa của từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Ảnh: Carmencita
Năm 1984, Nhà thờ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, và cũng được xếp vào danh sách 12 bảo vật của Tây Ban Nha vào năm 2007.
Mỗi năm khoảng 3 triệu du khách tới viếng thăm nơi đây, với giá vé từ 16 – 21USD/người, tiền vé mang về doanh thu khoảng 34 triệu USD – khoản chi phí cần thiết cho việc tiếp tục xây dựng nhà thờ. Nhiều du khách khi được phỏng vấn đều cho biết, cảm giác đầu tiên của họ là choáng ngợp trước vẻ đẹp độc đáo, khác lạ, lối kiến trúc tinh xảo, tỉ mỉ của nhà thờ mà không nơi đâu có được.
Kiệt tác “dang dở” với thời gian hoàn thành kéo dài “không tưởng”
Được khởi công xây dựng vào năm 1882, công trình Sagrada Familia được Antoni Gaudí dồn hết tâm huyết trong suốt 42 năm. Thời điểm đó, ông từng bị chỉ trích bởi thời gian hoàn thành công trình là quá lâu, ông đã đáp lại với câu nói đùa nổi tiếng của mình rằng: “Khách hàng của chúng ta, Đức Chúa trời, không hề nóng lòng và có thể chờ đợi được.”
Sau khi ông đột ngột qua đời năm 1926, thời điểm hiện tại Jordi Faudi là kiến trúc sư trưởng của nhà thờ, đang kế nhiệm tiếp tục thiết kế ông đã để lại. Cha của Jordi Faudi cũng chính là học trò của Gaudí. Ông chia sẻ: “Nhịp điệu xây dựng nhà thờ hòa với lịch sử của đất nước cũng như của Barcelona. Chúng tôi đang giữ ổn định tiến độ xây dựng. Và tháp thứ 18 sẽ được hoàn thành vào năm 2026”.
Như vậy, dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2026 – đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Bậc thầy kiến trúc Antoni Gaudí. Đây cũng chính là món quà hậu thế hi vọng có thể đáp lại những cống hiến và tầm nhìn của vị kiến trúc sư vĩ đại của cả thế giới.
Sagrada Familia – món quà đáp lại công lao của Antoni Gaudi. Ảnh: Travelmoodz
Phuong Nam Education hi vọng bài viết trên đã giúp các bạn có chuyến tham quan khái quát tới Sagrada Familia. Hãy cùng trau dồi tiếng Tây Ban Nha tốt hơn nữa để cùng bay tới những miền đất mới với những địa danh nổi tiếng và trải nghiệm các nền văn hóa lớn trên khắp thế giới nha.
Vương cung thánh đường là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt mà Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính cách cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Rôma. Phần lớn vương cung thánh đường là nhà thờ chính tòa, nhưng không phải nhà thờ chính tòa nào cũng là vương cung thánh đường.
Nguồn: Wikipedia
tags: đất nước tây ban nha, vương cung thánh đường, sagrada familia, địa điểm tây ban nha, khám phá tây ban nha
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức31 Tháng mười, 2024RECAP| Hội thảo các nước – Chọn đúng học bổng cùng INEC Đà Nẵng
- Chia sẻ kiến thức21 Tháng mười, 2024RECAP ǀ Săn học bổng du học Châu Âu đúng cách cùng INEC
- Chia sẻ kiến thức4 Tháng mười, 2024Hội thảo du học: Chọn đúng học bổng – Nhân đôi thành công
- Chia sẻ kiến thức20 Tháng chín, 2024Triển lãm giáo dục – Tinh hoa 6 trường Đại học Công lập Singapore